Sinh ra là một người hướng nội: một điều thiệt thòi?

Điều đầu tiên mà mình muốn nói tới là: Mình là một người hướng nội
Mà khả năng khi bạn tìm thấy bài viết này thì chắc bạn cũng là một người hướng nội, đúng không nhỉ?
Trong khi thế giới ngày nay rõ ràng là một thế giới đề cao những giá trị hướng ngoại. Bạn phải tạo được cho mình nhiều mối quan hệ, phải giỏi hùng biện trước đám đông, phải nổi bật, phải thật hoành tráng… blah blah
Đúng thật là người hướng nội “có vẻ” là những người thiệt thòi trong cuộc sống ngày nay.

Cuộc “chạy đua vũ trang” mang tên “hướng ngoại”

Mình là người thuộc thế hệ 9x, lúc mình học cấp 1 thì thực ra môi trường học tập lúc đó thực sự vẫn khá “cổ điển”. Kiểu hình mẫu là con ngoan trò giỏi, ít nói chuyện, không quậy phá….
Tuy nhiên khi mình lên cấp 2, cấp 3 và đại học thì môi trường học tập đã bắt đầu “tân thời” hơn. Phải mạnh dạn lên, phải toả sáng, phải tự tin, phải nổi bật. Phải gây ấn tượng mạnh với người khác ngay từ phút đầu, phải luôn tươi cười và tràn đầy năng lượng, PHẢI TỰ TIN, PHẢI THỂ HIỆN CÁ TÍNH NỔI BẬT CỦA MÌNH

         Đó cũng là lúc mình nhận ra sự khác biệt của mình!

Mình hồi đó là một con người trầm tính, ít nói (chỉ nói chuyện nhiều với những đứa bạn thân). Mình không thích nói nhiều, không tự tin trước đám đông. Thật ra là mình cũng muốn được mọi người chú ý chứ không phải không, nhưng cũng sợ người ta nghĩ không tốt về mình. Nói chung là người sống nội tâm, yêu màu tím, thích sự thuỷ chung :v
(Đọc tới đây chắc cũng có một số bạn đồng cảm với mình).

Đối với những người hướng nội như chúng ta, một môi trường đầy “hướng ngoại” như hiện tại thật sự đôi lúc khiến cho chúng ta lạc lõng. Mình không phải là một ca hướng nội quá nặng. Nhưng mà thú thật ra thì hồi đi học thỉnh thoảng cũng có những lúc mình thấy lạc lõng. Dễ thấy nhất là khi tất cả những đứa bạn thân của bạn bằng một cách nào đó nghỉ học hết trong một buổi chẳng hạn :v.

Nhiều lúc mình nghĩ: nếu như một người hướng nội khác mà không có nhiều bạn thân thì sao nhỉ? Chắc hẳn họ sẽ cảm thấy rất cô đơn khi rời khỏi mái nhà thân thương của mình. Mình cũng thấy có nhiều bạn của mình như vậy. Giờ ra chơi ngồi một góc, đi học thì luôn đi một mình. Đã vậy nhiều khi bạn bè lại còn dè bỉu họ bằng một câu đại loại như: đã xấu lại còn chảnh! Người nào nói ra câu đó chẳng khác nào nhát dao đâm thẳng vào tim những người hướng nội (thường vốn nhạy cảm). Họ nào hiểu được những cảm giác mà những người hướng nội chịu đựng. Tâm hồn mỏng manh như tờ giấy thì gió thổi nhẹ cũng đủ toạc rồi!

Đồng hồ thời gian

 Chúng ta sẽ quay ngược lại thời gian một chút vào thời xưa khi mà thế giới chưa đạt được sự kết nối toàn cầu. Khi mà ông ở Châu Âu không biết dân Việt Nam ăn cơm bằng đũa! (Nghe khá buồn cười nhưng mà nhiều người nước ngoài đến tận bây giờ vẫn tưởng dân Việt Nam ăn cơm bằng bốc tay @@).

Mà khoan hãy bàn tới việc đi xuyên qua đại dương, nhiều lúc cùng lắm một con người thời xưa chỉ sinh và lớn lên trong một khu làng nhỏ và không đi đâu nữa, hết! Mọi thứ đã quá thân thuộc và gần gũi, bạn hướng nội hay hướng ngoại thì cũng không quá quan trọng. Nhìn chung là như vậy.

Mình không nói đến trường hợp “nặng”. Đối với một người hướng nội thì cho dù đi ra ngoài họ có “câm” đến mấy thì khi về nhà họ cũng sẽ cảm thấy khá thoải mái, với ba mẹ, anh chị, những người bạn thân.   Thậm chí là khi ở với những người khiến họ thoải mái thì họ cũng “điên” và hoạt ngôn ra trò =))

Rõ ràng, trong thời đại nông nghiệp đổ về trước, nhìn chung, mọi thứ đều thân thuộc và gần gũi. Những “đồng loại hướng nội” như chúng ta chưa phải chịu áp lực gì đáng kể

Hoặc là khi bạn đã quen ở một môi trường mà bạn đã quá thân thuộc hoặc mọi người đều đối xử quá tốt với bạn thì người hướng nội hay hướng ngoại cũng gần như nhau!

Và rồi những cuộc cách mạng công nghiệp đã thay đổi tất cả

“Thách thức” chỉ thực sự đến khi xã hội, nền văn minh loài người phát triển một cách mạnh mẽ. Kết nối những vùng đất trong một quốc gia, rồi các quốc gia, rồi xuyên châu lục. Hãy nhìn xem, ngày nay chúng ta có thể kết nối được với những người cách xa chúng ta hàng chục nghìn km.

Điểm mấu chốt của thế giới bây giờ là kết nối

Mà có lẽ các “đồng loại” như chúng ta có xu hướng không thích kết nối lắm nhỉ (hoặc hơi khó kết nối). Mà trong một thế giới mở như hiện nay, không kết nối có khác gì tự đào thải!

(Theo quan sát của mình) Đa số chúng ta là những người làm công ăn lương. Ban đầu thì khi đi làm ai cũng phải làm nhân viên theo một chuyên môn nào đó. Đây là chức vụ có mức lương thấp nhất trong tổ chức. Muốn kiếm được nhiều tiền hơn thì kiểu gì bạn cũng phải lên làm quản lý, để điều hành những nhân viên chuyên môn giống như bạn lúc mới đi làm. Mà bạn muốn lên làm leader thì phải biết cách nói chuyện, thuyết phục, động viên, biết cách kết nối các nhân viên của mình. Xử lý mối quan hệ giữa người và người phức tạp hơn là làm việc chuyên môn nhiều. Bạn còn không biết cách kết nối với người khác thì làm sao bạn có thể kết nối các nhân viên của mình lại với nhau được.

Quản lý con người là một hình thức làm việc cao cấp và luôn được trả bằng một mức thu nhập cao hơn. Và việc bạn phải lên làm leader là một quy luật tự nhiên. Bởi vì xu hướng của mỗi con người là tiến lên!

Thực ra nếu bạn chỉ muốn làm công việc chuyên môn thì điều đó cũng chẳng có gì là sai cả. Có thể là bạn không muốn vướng vào những phức tạp trong việc quản lý con người thì Bằng lại xin chia buồn với bạn lần nữa: Khi làm việc thì kiểu gì bạn cũng phải phối hợp với đồng nghiệp thì mới làm tốt được.

Bạn làm một mình thì cũng có thể cho ra kết quả tốt nhưng chỉ đạt được một giới hạn nào đó thôi, nếu muốn vượt qua giới hạn đó bạn cần những người phối hợp với bạn, có thể là góp ý kiến, cũng có thể là làm cùng bạn.

Thôi nói tóm lại là kiểu gì bạn cũng phải kết nối, phối hợp với người khác. Thời buổi này khó mà một mình cân hết mọi thứ được lắm!
Có lẽ một số bạn hướng nội cũng sẽ có xu hướng giống mình (trước đây): thích làm việc một mình hơn là phối hợp với người khác.

Nếu bạn đang là một sinh viên (giống mình trước đây). Trong lòng đầy tự tin vào khả năng của bản thân: Tôi có tài năng, tôi sẽ ít cần phối hợp với người khác, tôi sẽ làm theo cách riêng của mình…..
Trước đây Bằng đã từng nghĩ như thế. Là một người luôn chăm chỉ tự học để trau dồi khả năng của bản thân

Mình đã từng nghĩ là mình sẽ không muốn “đánh mất” món  quà hướng nội mà ông trời đã ban cho mình.

Cho tới khi mình đi làm :v (có lẽ hồi trước mình hơi cực đoan và khó mở lòng quá)

Hồi xưa các bậc đàn anh, đàn chị thường nói với chúng ta là: lên cấp 2 đi rồi biết, lên cấp 3 đi rồi biết, lên đại học đi rồi biết và quan trọng nhất là “đi làm đi rồi biết”.
Có lẽ nếu bạn đang sống ở một vùng quê nào đó, nơi mà bạn chưa cần phải hướng ngoại. Bạn là một người hướng nội kiểu “con ngoan trò giỏi, im im ít nói” thì đã là một điều tuyệt vời, bạn thi đậu đại học và chẳng ai phàn nàn gì về bạn, ba mẹ hoàn toàn tự hào về bạn (mình hoàn toàn nhất trí, vì khi con cái chúng ta “ngoan ngoãn”, không bị sa lầy vào tệ nạn nào đó đã là một thành công của cha mẹ).
Có thể là lên đại học bạn cũng chẳng cần “hướng ngoại”, đơn giản là vì không thích thôi (như mình).

Vậy khi đi làm thì sao? Giai đoạn đi làm là giai đoạn hết sức quan trọng (ở Việt Nam chúng ta, thường con cái sẽ được cha mẹ “nuôi” tới khi học hết xong đại học). Đối với người quá hướng nội sẽ xảy ra nhiều vấn đề, ví dụ như:

Đi làm công sở, người ta tụ tập lại nói chuyện rôm rả, ai ai cũng nói cười với nhau, bạn ngồi đó nhưng chẳng biết nói gì cả. Nói ra thì sợ người ta nghĩ mình nhạt, nên ngồi đó nhưng im re (trong lòng thì muốn đi chỗ khác chứ cũng chả muốn ngồi đó). Lâu dần sinh ra rào cản với đồng nghiệp, mà đã có rào cản thì chính bạn sẽ cảm thấy ngột ngạt trong môi trường làm việc.
Người ta rủ đi làm gì, nhờ việc gì đó. Thực ra thì cũng không muốn đi nhưng không biết cách từ chối nên cứ đi theo. Sợ làm phật lòng người ta, luôn muốn mình hoàn hảo. Sợ người ta nói xấu nên đâm ra nhiều lúc chịu thiệt thòi.
Vì hướng nội, không dám nói ra ý kiến của mình nên hay bị liệt vào dạng “vô dụng”. Lúc nói thì không ai thèm lắng nghe! Trong team lúc nào cũng như một người thừa.
Và điều quan trọng nhất chính là: Bạn có năng lực nhưng lại không có kỹ năng để thể hiện khả năng đó của mình. Nỗi ấm ức nhất khi đi làm là rõ ràng mình có năng lực nhưng mà ai cũng nhìn mình như một đứa vô dụng =))

Đó chỉ là mấy ví dụ “sương sương”, thật ra thì không ai giống ai cả. Ở trên lấy từ những quan sát cũng như kinh nghiệm của bản thân Bằng khi đi làm.

Như Bằng nói ở trên, khi bạn đi làm, nếu không trang bị đủ kỹ năng hướng ngoại bạn sẽ cảm thấy tự ti, lạc lõng và khi đi làm chẳng khác gì bạn đi “chịu đựng” cả. Thực ra thì còn nhiều con đường khác như tự đứng ra kinh doanh, làm freelancer. Tuy nhiên nếu bạn muốn phát triển trong công việc thì kiểu gì bạn cũng phải đủ hướng ngoại để hợp tác với những người khác.

Khoan đã sao toàn chê không vậy? Hướng nội cũng có nhiều điểm tốt mà

Đúng vậy, hướng nội là một món quà. Nhờ hướng nội, chúng ta có thể “chiến đấu tốt” trong đại dịch Covid :v (Người hướng ngoại sẽ cảm thấy bị “cầm tù” trong đại dịch).
Quan trọng hơn sự hướng nội mang lại cho chúng ta một sự sâu sắc, thấu đáo và chúng ta làm việc độc lập cực kì tốt. Khi giải trí người hướng nội không cần thực sự phải tìm đến người khác, như mình chẳng hạn: chỉ cần một nơi yên tĩnh để ngồi thiền, hoặc một chỗ nhiều ánh nắng mặt trời để phơi nắng :v
Và còn rất nhiều ưu điểm khác của người hướng nội nữa…

Nhưng hãy thẳng thắn nhìn nhận, nếu bạn không đủ một mức độ hướng ngoại cần thiết, cuộc sống của bạn sẽ khó khăn hơn rất nhiều (tin mình đi)

Giữa một thế giới mở, sẽ thật đáng tiếc nếu bạn cứ đóng cửa và bơi trong cái hồ bơi “hướng nội” của bạn (như mình trước đây). Có thể bạn sẽ thoải mái và bạn bơi cũng rất giỏi trong cái hồ đó. Nhưng ngày nay bạn có thể bơi ra sông, ra biển để tìm kiếm những điều mới mẻ. Mình của ngày xưa đã từng sai lầm khi cho rằng những giá trị hướng ngoại sẽ làm mất đi vẻ đẹp của một người hướng nội (thật là một thằng dở hơi cứng đầu haizzz).

         Hãy thẳng thắn nhìn nhận là chúng ta trong cuộc sống ngày nay dù có những ưu điểm riêng, nhưng sự thật là chúng ta “thua thiệt” trong thế giới này và phải khoả lấp những “thua thiệt” đó bằng cách thay đổi bản thân. Bạn cần hướng ngoại hơn (trong chừng mực vẫn thấy thoải mái, đừng gồng quá). Và quan trọng hơn là phải biết cách kết nối với người khác. Hãy nhớ là nếu bạn không biết kết nối với người khác, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội. Hãy tham gia một vài câu lạc bộ kỹ năng mềm nếu bạn còn đi học hoặc thử những công việc làm thêm như nhân viên bán hàng chẳng hạn, nó sẽ giúp bạn nhiều hơn việc bạn cứ ru rú ở trong phòng.

Bạn không cần phải đeo cái mặt nạ “hướng ngoại” mọi lúc mọi nơi, hãy đeo “nó” đúng nơi đúng chỗ cần thiệt. Khi bạn đã cảm thấy tự tin và “quen” rồi thì nó không còn là “mặt nạ” nữa đâu, một phần hướng ngoại sẽ trở thành con người của chính bạn.

KẾT LUẬN

Theo quan điểm của mình: Bạn phải nhận định là cuộc sống của những người “hướng nội” như chúng ta trong thế giới ngày nay khó khăn hơn những người “hướng ngoại”. Hãy khắc ghi điều đó và phải chủ động để trang bị đủ những kỹ năng hướng ngoại ngay từ khi còn đi học. Các bạn phải luôn nhớ lấy điều đó! Đừng bao giờ quên điều này, cuộc sống sau này của bạn có thuận lợi hay không là do sự cố gắng của bạn.

 Và nhớ lấy điều này nữa: Hướng nội là một món quà ông trời ban cho chúng ta, hãy trân trọng nó. Mục tiêu của bạn là một người hướng nội có đủ kỹ năng hướng ngoại chứ không phải trở thành một người hướng ngoại. Đừng để mình ngột thở khi cố gắng trở thành một con người hoàn toàn khác, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi rã rời nếu cố gắng thay đổi hoàn toàn bản chất con người mình!

Đây là lời khuyên của một người tạm gọi là “đi trước” các bạn học sinh, sinh viên. Thực sự cần như vậy, hãy “hướng ngoại” khi cần thiết, có như vậy cuộc sống của các bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều!

Cảm ơn đã đọc blog của iamvubang.com. Mình rất vui khi được ở đây cùng chia sẻ với các bạn, nếu bạn có ý kiến gì hay ho cứ chia sẻ với mình ở dưới nhé.    

This Post Has One Comment

  1. Hi, i feel that i saw you visited my website so i got here to go
    back the choose?.I am trying to in finding things to enhance my website!I suppose its ok to use some of your ideas!!

Trả lời