Hãy hỏi những người đã từng dành 1 năm ôn thi lại đại học, hay một vận động viên kém người dẫn đầu 1% giây. Họ đã trải qua những cảm giác như thế nào?
Một phần trăm giây cũng đủ quyết định người chiến thắng và những kẻ còn lại. Nếu đến cả một khoảnh khắc nhỏ cũng đáng giá như vậy, còn điều gì tệ hơn khi chúng ta đang lãng phí thời gian hàng tháng, hàng năm?
Mục lục
1. Bạn thường xuyên có trạng thái “trống rỗng” sau khi lãng phí thời gian?
Bạn có bao giờ cảm thấy trống rỗng?
- Sau những buổi tiệc tùng liên miên?
- Sau những giờ chơi game dài?
- Sau những tập phim được “cày” tới 2h sáng?
- Hay một buổi lướt mạng đến thâu đêm?

Những thú vui giải trí trên được những người trẻ như chúng ta tìm đến trong vô thức. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, chúng ta về nhà, cầm điện thoại lên và nằm trên chiếc giường thân yêu. Cảm giác thân thuộc và thoải mái biết mấy!
Chúng ta còn chẳng biết vì sao mình cầm điện thoại lên. Chỉ đơn giản, đó là một thế giới tuyệt vời, nơi mà chúng ta luôn xem được những thứ mình muốn xem.
Vấn đề nằm ở chỗ: những thứ bạn muốn xem chưa chắc đã là những thứ bạn cần! Hoặc thậm chí tệ hơn là đang đầu độc bạn!
Ai cũng thích xem những tin giật gân hay drama, scandal gì đó, nhưng liệu quan tâm quá nhiều đến những việc đó có thực sự cần thiết đối với bạn và những người yêu thương? Bạn đang lãng phí thời gian quá nhiều vào những thứ không thực sự cần thiết?
Bạn muốn đạt được một mục tiêu gì đó trong cuộc sống. Nhưng lại luôn bị cuốn theo những thứ vô bổ bạn muốn thấy. Rốt cuộc, khi những niềm vui ngắn ngủi, những giây phút “thăng hoa” qua đi, mục tiêu cuộc sống vẫn chẳng được hoàn thành, thậm chí càng ngày xa vời khi bạn nhận ra mình đã lãng phí quá nhiều thời gian tuổi trẻ.
“Trống rỗng” chính là cảm giác như vậy!
Bạn sẽ tiếp tục lãng phí đi giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời, tuổi thanh xuân, tuổi trẻ của bạn? Bạn để dòng chảy thời gian đưa mình đi một cách vô định, tới đâu thì tới?
2. Đã từng có việc gì khiến bạn thấm thía ý nghĩa của thời gian?
Đối với False9, chưa có một việc gì đến mức “khắc cốt ghi tâm”. Nhưng nếu phải chỉ ra việc ấn tượng nhất, thì đó là lúc mình nhận huy chương bạc Olympic sinh viên cơ học. Đó cũng chỉ là một cuộc thi sinh viên mà thôi, ý nghĩa của nó không quá hệ trọng đối với cuộc đời mình.
Nhưng đúng ngay giây phút đó, trong đầu mình đã tự hỏi: ước gì mình dành nhiều thời gian ôn tập hơn để ôn kỹ thêm dạng bài mình đã làm sai. Có khi mình đã dành được huy chương vàng cũng nên! (Tuy không phải việc gì quá ghê gớm, nhưng sẽ là một kỷ niệm đẹp thời sinh viên)
Có những khoảnh khắc, khi “chuyện đã rồi”, chúng ta nhận ra mình đã bỏ lỡ những gì. Bạn có lẽ cũng đã từng có những trải nghiệm thấm thía hơn về ý nghĩa thời gian.

Nếu có một người bạn từng thi rớt đại học, phải thi lại 1 năm. Bạn hãy thử hỏi cảm giác của họ. Một năm ôn thi đó quả thật quá dài! Đặc biệt là những ngày tháng đầu sau khi biết mình trượt!
Chỉ khi chúng ta bị “tụt lại phía sau” so với mọi người, những câu hỏi tự trách móc bản thân mới bắt đầu xuất hiện. Giá như chúng ta chăm chỉ hơn, giá như chúng ta không lãng phí thời gian vào những thứ vô bổ!
3. Bạn có thiếu thốn thời gian tới mức bận rộn?
Khi hỏi một ai đó, họ thường sẽ trả lời: “Tôi rất bận”; “Tôi không có thời gian rảnh để làm những việc mình yêu thích”; “Công việc của tôi quá bận rộn”. Nhưng có lẽ trên thực tế, không có nhiều người thực sự eo hẹp thời gian tới mức đó! Thực sự bạn có bận rộn như bạn nghĩ không?
False9 sẽ tính thử chúng ta sử dụng thời gian như thế nào trong một ngày: ngủ 7 tiếng; ăn và vệ sinh 1 tiếng; đi lại 1 tiếng; làm việc (học) 8 tiếng; nói chuyện 1 tiếng; nếu bạn còn những công việc khác cần giải quyết mình cho bạn hẳn thêm 3 tiếng nữa để giải quyết hoặc ăn chơi nghỉ ngơi gì đó.
Nếu theo lịch như trên, sau khi nghỉ ngơi thoải mái dư dả, bạn vẫn còn rảnh tận 3 tiếng đồng hồ!
Thực tế có thể bạn sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn thế rất nhiều. Vì việc gì mình cũng cho bạn quá dư dả thời gian!

Nhưng nếu cứ cho là mỗi ngày bạn “chỉ” rảnh 3 tiếng đi chăng nữa, nhân lên 20 năm thì bạn cũng có tới 2,5 năm rảnh rỗi! Điều đó có nghĩa là: từ lúc bạn học xong phổ thông 18 tuổi cho tới lúc bạn 38 tuổi, bạn sẽ có hơn 2,5 năm liên tục không nghỉ để làm một việc gì đó!
Với chừng đó thời gian, sẽ thật phung phí nếu bạn “đốt” hết chúng vào những việc không tạo ra giá trị. Bạn có thể làm được rất nhiều thứ tuyệt vời khác cơ mà!
Tham khảo thêm bài viết của mình: Quản lý thời gian hiệu quả với phương pháp Pomodoro
4. Sức khoẻ không tốt khiến bạn lãng phí thời gian hơn?
Một ngày đẹp trời, khi tâm trạng phơi phới, bạn có thể làm được rất nhiều việc với năng suất khủng khiếp. Nhưng cũng có những ngày khác, khi bạn cảm thấy mệt mỏi, sau những giờ đi làm bạn sẽ chỉ muốn làm bạn với chiếc điện thoại mà thôi!
Khi mệt mỏi, con người sẽ không muốn động não nhiều. Nhưng cách “giải trí” của rất nhiều người hiện nay có đúng hay không?
Theo False9, giờ giải lao, nghỉ ngơi không nên là những lúc bạn tranh thủ lướt mạng xã hội hay xem video trên smartphone. Não bạn đã quen đó là những việc thoải mái, nhưng sự thật, bạn sẽ mệt hơn khi làm chúng! Thay vì đó hãy nhắm mắt tĩnh tâm hoặc đi bộ nhẹ nhàng và không nghĩ gì cả! Đó là cách phục hồi năng lượng mình hay làm.

Hãy chú ý theo dõi sức khoẻ và mức năng lượng của mình trong ngày. Khi mức năng lượng đã giảm xuống thấp, hành động theo những thói quen xấu là việc khó tránh khỏi!
Về lâu về dài, bạn cần có một lộ trình chăm sóc sức khoẻ, các biện pháp bảo vệ, nâng cao sức khoẻ thể chất và tinh thần. Khi đã có một sức khoẻ bền bỉ, bạn có thể làm nhiều việc có ích hơn nhờ nguồn năng lượng dồi dào.
Tạm thời, bạn có thể tìm tới các biện pháp như uống trà, coffee chẳng hạn. Nhưng không nên lạm dụng theo kiểu thức khuya rồi đập coffee, trà liên tục cho tỉnh táo!
5. Thường có một khoảng thời gian bị bạn lãng phí lặp đi lặp lại?
Ví dụ là khi bạn vừa đi uống nước với bạn bè về, hoặc là vừa ăn cơm tối xong. Bạn tự nhủ: mình sẽ lướt mạng một tý, hoặc chơi game một ván rồi học bài. Sau đó mọi chuyện tiếp tục theo hướng: chơi luôn chẳng thấy học đâu!
Việc này liên quan đến vấn đề về sức khoẻ mình đề cập ở trên. Đáng lý ra, nên làm việc cần nhiều chất xám hơn trước, rồi những việc ít giá trị sau. Nhưng bạn lại dùng sự tập trung, năng lượng của mình cạn kiệt trước mất rồi! Lấy đâu ra năng lượng mà học bài?

Một lần nữa, hãy theo dõi bản thân, chỉ thẳng ra những khoảng thời gian như vậy. Và mỗi khi chu kì lãng phí thời gian lặp lại, bạn sẽ bắt bài “bản thân” trước khi tiếp tục hành động theo quán tính như bao lần!
6. Bạn đang lãng phí thời gian vào việc vô bổ nào nhiều nhất?
Với mình, câu trả lời là game! Trước đây, khi còn học phổ thông, mình cực kì thích chơi game. Trong đó đặc biệt là thể loại RTS (chiến lược thời gian thực). Mình còn nhớ đã từng đòi ba mẹ lắp cho một dàn PC khủng hơn để chơi game cho thoả thích. Tất nhiên ba mẹ mình đã không đồng ý :v (thật may mắn!)
Ai cũng sẽ có một hay nhiều việc gì đó vô bổ là nguyên nhân lãng phí thời gian “chủ đạo” của bản thân. Hãy trả lời câu hỏi trên một cách thật trung thực. Đôi khi chúng ta chỉ vô thức hành động theo thói quen mà thôi!

Một khi đã suy nghĩ kĩ, điểm mặt chỉ tên ra những nguyên nhân gây lãng phí thời gian nhiều nhất của bạn. Việc bạn cần là đưa chúng vào danh sách đen. Hãy chép một câu khẩu hiệu vào mỗi trang của sổ tay ghi chú hằng ngày để ngăn chặn dần dần thói quen đó chẳng hạn.
Mình hiểu, chẳng bao giờ dễ để bỏ một thói quen mà bạn cho là thoải mái. Nhưng việc có ý thức về sự nguy hại sẽ giúp bạn mỗi khi bắt đầu thói quen đó, có một thái độ dè dặt hơn. Vì bạn đã biết chúng là một trong những “kẻ thù” ngăn chặn bạn đạt được những gì mình mong muốn!
Lên đại học, False9 đã không còn chơi game để tập trung sử dụng thời gian làm những điều mà mình mơ ước. Mình tin chỉ cần bạn bắt đầu có ý thức, sớm hay muộn bạn cũng có thể hoàn toàn kiềm chế được những việc vô bổ lãng phí thời gian. Hy vọng mình sẽ giúp bạn được phần nào đó để làm được. Hãy chia sẻ việc vô bổ mà bạn lãng phí nhiều thời gian nhất ở phần bình luận dưới nhé!
7. Bạn cần một kế hoạch cụ thể sử dụng thời gian rảnh nâng cấp bản thân mỗi ngày?
Bạn có đọc sách, nghe podcast, xem những video, blog hay và bổ ích thường xuyên? Bạn có chăm chỉ học hỏi, đọc tài liệu về chuyên môn của bạn? Bạn có ý thức trau dồi các kỹ năng của mình? Bạn có thường xuyên xây dựng những thói quen tốt?

Chí ít, bạn phải có một kế hoạch phát triển bản thân, phát triển kỹ năng, chuyên môn của bạn. Phải vạch ra một vài đầu công việc cụ thể cần làm. Ví dụ mục tiêu của bạn là: Tôi muốn tự học tiếng Anh. Bạn cần có những đầu công việc cụ thể như: học từ vựng ra sao, luyện nói trên app, xem video hay trên youtube,…
Sự chi tiết càng cao thì dễ dàng thực hiện hơn. Đừng để mỗi khi ngồi vào bàn định học lại không biết bắt đầu từ đâu và …. tiếp tục bật điện thoại lên và lướt!
8. Những lời khuyên False9 muốn gửi tới bạn đọc
Trong phần kết này, False9 muốn cùng bạn đi trả lời lại 7 câu hỏi trên!
1. Nếu thường xuyên có cảm giác trống rỗng, bạn đang không hài lòng với cách sử dụng thời gian của chính mình! Nếu còn để tiếp tục như vậy, những trạng thái tâm lý xấu như tự ti, mặc cảm, thất vọng có thể xuất hiện sau đó. Lâu dần, bạn sẽ không còn muốn làm gì cả, thậm chí nặng hơn là trầm cảm! Con người chỉ thực sự hạnh phúc khi làm những việc ý nghĩa!
2. Nếu đã từng có những việc khiến bạn cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của thời gian, nhớ lại những việc đó là một cách truyền động lực rất mạnh mẽ! Trải nghiệm giúp chúng ta trưởng thành, kể cả trong việc sử dụng thời gian cũng vậy!
3. Bạn có thực sự bận rộn? Sau khi trả lời trung thực, nếu nhận ra mình đã lãng phí thời gian rảnh quá nhiều, bạn hãy thôi đổ thừa do mình thiếu thời gian. Đôi lúc, việc nhận ra mình “bận thật” hay “bận giả” cũng rất quan trọng! Nếu bạn nghĩ mình không có thời gian thật, bạn sẽ chẳng muốn học thêm bất cứ điều gì đâu!
4. Sức khoẻ và sự bền bỉ, tập trung của bạn đang không được tốt? Bạn nên thử ngay phương pháp Pomodoro (link bài viết mình để ở mục 3). Ngoài ra, bạn còn cần phải cải thiện thể lực, sức khoẻ của mình ngay từ bây giờ!
5. Nếu bạn có những khoảng thời gian lãng phí lặp đi lặp lại, mà cứ hễ tới lúc đó bạn sẽ bắt đầu chơi game, lướt mạng, xem video,… vô tội vạ. Thì cách đơn giản nhất là luôn nhắc trong đầu mình tới giờ đó phải làm việc khác. Ví dụ như khi mới ăn cơm xong, đừng có bật điện thoại vào mạng như mọi khi, hãy vứt điện thoại qua một bên và ngồi vào bàn nhắm mắt nghỉ một tý trước khi học chẳng hạn!
6. Những việc khiến bạn lãng phí quỹ thời gian vào nhiều nhất, nếu có thể, hay bỏ hẳn. Còn nếu không, hãy ấn định một khoảng thời gian trong ngày bạn dành cho nó. Đó là một quá trình khó khăn, nhưng bạn hoàn toàn có thể tập được.
7. Câu hỏi này quá dễ rồi, ai cũng cần phát triển bản thân cả!
Sau khi trả lời trung thực những câu hỏi trên, đã đến lúc bạn bắt đầu hành trình phát triển bản thân của mình rồi! Hãy bắt tay ngay vào một kế hoạch quản lý thời gian thật chặt chẽ, bắt đầu kiềm chế dần dần những thói quen lãng phí thời gian từ hôm nay! Hy vọng False9 sẽ được đồng hành cùng bạn trong chặng đường đó. Nếu có thể, bạn hãy trả lời những câu hỏi trên hoặc trao đổi ở phần bình luận dưới nhé!
Can you be more specific about the content of your article? After reading it, I still have some doubts. Hope you can help me.